Tìm kiếm giúp đỡ, nạn nhân bạo lực học đường tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa

GDVN- Chuyện nữ sinh lớp 10 trường chuyên tự tử nghi ngờ có liên quan đến bạo lực học đường đã làm dư luận hết sức lo lắng về tình hình bạo lực học đường hiện nay.

Không lo lắng sao được khi hàng ngày chứng kiến những clip học sinh đánh nhau tàn nhẫn trên mạng xã hội, phụ huynh sẽ suy nghĩ hôm nào, khi nào sẽ đến lượt con cháu mình đây?

Càng lo lắng hơn khi bạo lực không chỉ đến từ học trò, mà bạo lực học đường còn đến từ cả những thầy cô giáo và kể cả lãnh đạo nhà trường.

Bạo lực thể chất, vết thương bầm tím có thể qua mau, nhưng sẽ là ký ức kinh hoàng của tuổi học trò.

Bạo lực lực từ lời nói, từ hành động cô lập, tẩy chay sẽ là vết thương mãi mãi không bao giờ lành; những câu nói vô tình hay hữu ý của bạn bè, thầy cô “ăn gì mà ng thế”, “mày ch... đi cho sạch lớp…”… đã cướp đi tuổi thơ của học trò.

Kẻ gây ra bạo lực học đường cũng nhận lại hậu quả không kém hơn nạn nhân, có thể nhất thời nhận được sự “sùng bái” của kẻ đồng lõa, thế nhưng sẽ là sự xa lánh, nghi ngờ, khinh bỉ của họ khi đã trưởng thành.

Ảnh minh họa - Nguồn baochinhphu.vn
Ảnh minh họa - Nguồn baochinhphu.vn

Đầu học kì I năm học 2022-2023, lớp người viết làm chủ nhiệm nhận học sinh Nguyễn Thanh Lan (đã đổi tên nhân vật) chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh về.

Lan có học lực tốt, nhưng có cái gì đó rất bất thường, rất khó lý giải. Nhận thấy nét khác thường của Lan so với học sinh địa phương, người viết đã quan tâm nhiều hơn, sau hơn một tháng, em đã tin tưởng và chia sẻ:

“Mới đầu về đây ở với ngoại, đi học, em nghĩ trường nào cũng vậy, giáo viên chủ nhiệm nào cũng vậy, chạy trời không khỏi nắng, cái số mình đã vậy rồi, về đây cũng bị coi thường, bắt nạt thôi.

Một tháng trôi qua, em nhận ra thực tế trái ngược hoàn toàn với điều mình suy nghĩ, thật sự em rất cảm ơn thầy cô và các bạn”.

Em rưng rưng kể về những ngày tháng đi học ở trường cũ, bị bạn bè đánh, ghẻ lạnh, cô lập, mỗi ngày đến trường là một cực hình của em.

Em đã nói với mẹ, nhưng mẹ gạt phăng đi “cứ bơ đi mà sống, mày cứ học cho giỏi, chẳng ai bắt nạt được mày”.

Làm sao học giỏi được hả thầy, trong tiết học, chỉ cần giáo viên quay lưng lên bảng là em nhận được đủ trò quái ác của các bạn xung quanh, từ những cái giật tóc buốt đầu cho đến những cái nhéo đau điếng cơ thể.

Em nói với giáo viên bộ môn, em bị các bạn xung quanh đánh, giật tóc, cả lớp bảo em bịa chuyện, thầy cô cũng chỉ ậm ừ cho qua chuyện, bảo em báo giáo viên chủ nhiệm giải quyết.

Nghỉ tiết còn kinh hãi hơn, em nhận được những lời nói mà chỉ tượng tượng thôi đã nổi da gà. Nhiều lần đi trong lớp em bị ngáng chân ngã dúi dụi, có lần gãy cả cái răng cửa đây thầy.

Em nói riêng với cô chủ nhiệm, cô cũng chỉ nhắc nhở cho qua chuyện, rồi đâu lại vào đấy, mỗi ngày đi học là một ngày đưa em đến gần hơn với sự tuyệt vọng.

Khốn khổ đến cùng cực, không biết nói với ai, không biết làm sao để thoát khỏi bế tắc, em lên mạng tìm cách tự tử, nhiều lần đã muốn tự giải thoát cho mình.

Buồn, chán, em tham gia nhóm những học sinh bị bạo hành trên mạng xã hội. Em chia sẻ câu chuyện của mình, nhận được rất nhiều sự đồng cảm, sẻ chia, em cứ ngỡ đã tìm được chốn bình an, nhưng có ngờ đâu tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.

Có người nhắn riêng với em để kết bạn, chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Sau một thời gian, em được khuyên là hãy tự giải thoát như chính điều bạn ấy sẽ làm vào sinh nhật 14 của mình.

Bế tắc, em làm theo, may nhờ mẹ phát hiện kịp thời, nên còn ngồi đây với thầy. Em thật lòng khuyên các bạn cùng hoàn cảnh, hãy dũng cảm thổ lộ với người lớn, một lần chưa được thì nhiều lần, một người chưa được thì nhiều người, chắc chắn sẽ có người giúp mình.

Nếu tìm hiểu giải pháp chống lại kẻ bạo hành, hãy tìm hiểu trên các trang báo chính thống, đừng vội cả tin bạn bè trên mạng xã hội, coi chừng lại đau khổ hơn cho chính mình và gia đình".

Người viết đã liên hệ với mẹ của em Nguyễn Thanh Lan để tìm hiểu thêm, chị cho biết: “Tôi mải lo làm ăn, cứ nghĩ đóng đủ tiền cho nhà trường, trăm sự nhờ thầy cô giúp đỡ, thế là ổn, ai ngờ chuyện đau lòng lại xảy ra với cháu.

Nếu được làm lại, tôi sẽ lắng nghe cháu chia sẻ, tìm giải pháp giúp đỡ cháu sớm hơn. Mình vô tâm, phó mặc cho nhà trường, nay ngẫm lại, nếu mình quan tâm con cái, những biểu hiện bất thường của cháu là mình nhận ra ngay.

Bây giờ tôi mới thấu, mới hiểu, gia đình, bố mẹ, phải là người quan tâm đến con em mình đầu tiên, phải là nơi tin cậy để con cái sẻ chia.

Cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm với mọi hành vi của con em mình, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường hay giáo viên chủ nhiệm được, gia đình phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Nay tôi quan tâm cháu nhiều hơn, lại gặp được thầy, được bạn tốt, nên cháu thay đổi hẳn, cháu thích đi học, thích đến trường”.

Bạo lực học đường là nỗi đau không của riêng ai, không ai muốn bạo lực học đường sẽ đến với người thân của mình và cũng không ai muốn con cháu mình là kẻ gây ra bạo lực học đường.

Thực tế hiện nay, nạn nhân của bạo lực học đường không có nơi để chia sẻ, không có bạn bè để thông cảm, nên thường tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội, các em dễ trở thành nạn nhân của những trò lừa bịp, lời khuyên tiêu cực, vô tình tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.

Ngày12/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Chỉ thị 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.[1]

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ sở giáo dục thực hiện 7 giải pháp phòng tránh bạo lực học đường.[2]

Bạo lực học đường cần sự lên tiếng của chính nạn nhân, của chính các em học sinh cần có thái độ rõ ràng với những kẻ có hành vi bạo lực, sự lắng nghe của thầy cô, quyết tâm của hiệu trưởng giải quyết đến tận cùng nguyên nhân bạo lực trong nhà trường và sự phối hợp của chính gia đình các em. Bạo lực học đường sẽ khó có thể giải quyết tận gốc nếu thiếu sự chung tay phối hợp.