Cảnh báo bệnh tâm lý từ bạo lực học đường

Các em học sinh ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong trường học. Ảnh: NGUYỆT ANH
Các em học sinh ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong trường học. Ảnh: NGUYỆT ANH

1/Trước đây, bạo lực học đường thường được nhìn thấy là những cuộc tấn công vào thân thể, bắt nạt bằng vũ lực khiến nạn nhân bị tổn thương về thể xác. Nhưng thực tế hiện nay, bạo lực học đường còn biến tấu thành nhiều hình thức khác nhau khó nhận biết hơn như cô lập, chê bai, chửi bới, thóa mạ một cá nhân, thậm chí là xâm hại về thể chất, tình dục...

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2022 có đến hơn 1.600 vụ ẩu đả ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11 nghìn học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau. Con số này có thể chênh lệch ít nhiều so thực tế nhưng chắc chắn rằng, nó đang ngày một tăng lên và để lại hậu quả ngày càng nặng nề. Trên mạng xã hội, tần suất các video, hình ảnh bạo lực học đường xuất hiện ngày một nhiều với những hình ảnh khiến bậc phụ huynh nào cũng bất ngờ và không dám tin đấy là con mình. Chưa kể những vụ bắt nạt bằng lời nói, nạn nhân âm thầm chịu đựng do đối tượng bắt nạt thường có hội, nhóm tuy không có tổn thương về thể chất nhưng sẽ để lại những hậu quả về bệnh tâm lý khó có thể chữa lành.

Là nạn nhân bị bạo lực học đường từ những năm học cấp III, bạn N.T.N.H. (20 tuổi) đã mất hai năm đầu đại học để tự chữa lành tại một môi trường mới. “Đó là những năm tháng kinh khủng nhất thời học sinh của em, một nhóm bạn nữ trong lớp đã cô lập em khỏi các bạn, chửi mắng rất khó nghe và đôi lúc còn đụng tay, đụng chân. Đã có lần em đã nghĩ đến việc kết thúc cuộc đời nhưng may mắn gia đình đã kịp thời phát hiện. Đến nay, tuy đã ổn hơn những em vẫn sợ những nhóm quá đông và khó hòa đồng với các bạn”, bạn H. chia sẻ.

Hậu quả của nạn bạo lực học đường xét theo khía cạnh nào cũng để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với nạn nhân. Đối với những trẻ bị bạo lực học đường từ nhỏ có thể hình thành những tổn thương về tâm lý, hình thành nhiều nỗi sợ vô hình. Khi tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến sự thay đổi hoàn toàn về suy nghĩ và tính cách, hình thành sự vô cảm, mất niềm tin vào mọi thứ chung quanh, sống khép kín, thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh, mắc bệnh trầm cảm. Có nhiều vụ bạo lực học đường sử dụng vũ lực, đánh hội đồng còn để lại những vết thương về thể xác, dị tật vĩnh viễn.

2/Đáng lo ngại hơn, độ tuổi vi phạm bạo lực học đường đang ngày càng trẻ hóa, đối tượng vi phạm có người còn ở độ tuổi rất nhỏ nhưng đã có những hành vi bạo lực nghiêm trọng, có đối tượng còn bị xử lý hình sự.

Ở độ tuổi chưa trưởng thành về tâm lý và nhận thức, hành động của các em rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ mà các em tiếp xúc, xem được, trong đó có các trò chơi giải trí, mạng xã hội. Những trò chơi điện tử không đơn thuần là giải trí mà đã ít nhiều tác động đến tâm lý các em, muốn được như nhân vật trong điện tử. Mạng xã hội cũng là một môi trường độc hại khi mỗi ngày lại có những video bạo lực một cách man rợ được phát tán, chiếu những cảnh đánh nhau, trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người chung quanh. Khi tiếp xúc quá nhiều với những hình ảnh như vậy, các em sẽ không còn cảm giác sợ hãi mà thay vào đó là thái độ bình thường hóa “họ làm được thì mình cũng làm được”.

Bên cạnh đó, môi trường gia đình và xã hội xúc tác rất nhiều trong việc hình thành tâm lý trường học của các em. Sự đổ vỡ trong hôn nhân, không nhận được sự quan tâm từ mẹ và bố khiến nhiều trẻ không làm chủ được bản thân, dễ sa ngã vào những con đường lệch lạc, hình thành bản chất xã hội từ sớm. Ở những gia đình khác, tâm lý con trẻ bị méo mó có thể đến từ cách giáo dục sai như thường xuyên quát mắng, cha mẹ trút giận lên con cái hoặc xảy ra bạo lực trước mặt con cái cũng ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của trẻ.

Hiện nay, hầu hết các trường học đều bổ sung hệ thống theo dõi an ninh ở các vị trí bao quát gần như toàn bộ khuôn viên trường để phát hiện kịp thời những vụ bạo lực xảy ra trong nhà trường. Đồng thời, có những buổi chia sẻ, răn đe và khuyến khích trẻ kịp thời, đúng lúc, thúc đẩy môi trường an toàn trong nhà trường. Không có một đáp án chính xác nào về lý do của các vụ bạo lực học đường vậy nên cha mẹ đang có con em trong độ tuổi đến trường cần dành nhiều thời gian, quan tâm và phối hợp cùng thầy, cô để nhận ra những dấu hiệu sớm nhất trong trường hợp con em mình có liên quan đến bạo lực học đường.