Những người lớn với 'vết sẹo' bạo lực học đường

Những người lớn với 'vết sẹo' bạo lực học đường

Đến năm 20 tuổi, cứ mỗi lần nhìn thấy chiếc mũ cối Huỳnh Tiên vẫn sợ toát mồ hôi lạnh nhớ thời bị nhóm bạn nam xé áo, dùng mũ đánh tới tấp.

Lý do bị đánh suốt thời đi học của Huỳnh Tiên ở Sóc Sơn, Hà Nội rất đơn giản: Nhìn cậu ẻo lả.

Thời tiểu học, đám bạn gần trường thường rủ nhau căng dây ngáng xe cho Tiên ngã. Một lần, họ đang chơi nhảy sạp thấy cậu đi qua liền dùng luôn gậy gộc, dây thừng đè xuống đường, trói lại, đánh đấm túi bụi. "Em chỉ biết khóc, về nhà cũng không dám nói với bố mẹ", Tiên kể.

Năm lớp 6, khi đang đi sinh nhật Tiên lại bị chặn, tát bôm bốp vào mặt. Từ những lần đó cậu rất sợ đi về một mình, nên thường phải chờ bạn đi cùng hoặc đạp xe rất nhanh mỗi lần qua nhà những đứa bắt nạt mình.

Lên cấp 3, trường mới bạn mới, nhiều người chưa biết Tiên cũng lấy cớ "ngứa mắt" để gây sự. Ngày đầu đi học quân sự, cậu thiếu niên bị một nhóm bạn nam dằn mặt khi đang ngồi chơi ở ghế đá.

"Họ quây em lại, sờ soạng, xé áo. Họ dùng mũ cối đánh liên tiếp lên người. Em không thể chống cự", Tiên hồi tưởng. Đánh xong, nhóm này nói: "Làm con trai phải cho ra dáng con trai".

Trước đây bị bạo hành, Tiên cố gắng cam chịu và học cách không phản kháng nhưng trận đòn này khiến cậu sợ không dám đến trường nhiều ngày. Giáo viên chủ nhiệm chỉ biết chuyện sau hai tháng. Sự việc đã qua khó có thể truy cứu được nhóm gây sự còn Tiên ám ảnh với chiếc mũ cối đến tận bây giờ.

Suốt thời đi học, Huỳnh Tiên bị bạo lực thể chất và tinh thần. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Suốt thời đi học, Huỳnh Tiên, một người chuyển giới nam sang nữ, bị bạo lực thể chất và tinh thần. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Liên Hợp Quốc ước tính mỗi năm có 246 triệu học sinh bị bạo lực trong và xung quanh trường học. Tại Việt Nam, số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trung bình mỗi năm có 1.600 vụ học sinh đánh nhau.

Song theo tiến sĩ Hoàng Trung Học, Chuyên gia tâm lý học đường (Học viện Quản lý giáo dục), con số này chưa phản ánh hết thực tế, bởi bạo lực học đường có nhiều dạng khác nhau và khó có thể thống kê chính xác. Có hai loại bạo lực phổ biến nhất là thể chất và bạo lực tinh thần. Những năm gần đây tính chất và mức độ bạo lực thể chất rất đáng báo động vì đã có những vụ gây ra hậu quả thể chất rất nghiêm trọng.

Bạo lực tinh thần thường để lại những sang chấn tâm lý. Nạn nhân bị bạo lực trong thời gian dài có thể sợ trường lớp, trầm cảm, rối loạn lo âu và gây ra tổn thương tinh thần dai dẳng. Nguy hiểm hơn, việc liên tục bị bạo lực tinh thần có thể hình thành khuôn mẫu hành vi ở cả chủ thể và nạn nhân. Nạn nhân có thể lặp lại hành vi bạo lực ở người khác và trong tình huống khác, thậm chí tái diễn ở thế hệ khác. "Đứa trẻ bị bạo lực có thể thành người gây bạo lực. Cha mẹ từng bị bạo lực có thể dùng hành vi bạo lực để trấn áp chính con họ", chuyên gia nói.

Đối với Nguyễn Khánh Ly, 32 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội, chuyện đã qua gần 20 năm, song "những gì đau thường nhớ lâu".

Hồi lớp 6, trong lớp có ba bạn nam học sinh cá biệt và hai bạn nữ nhà có điều kiện chơi với nhau. Họ thường mỉa mai ngoại hình, trang phục, gia cảnh và xúi các bạn khác không chơi với Ly. Không ít lần nữ sinh này bị đánh vào đầu, bị dùng bút bi vẽ nguệch ngoạc lên áo. "Lý do rất đơn giản vì tôi được cô chủ nhiệm giao ghi sổ đầu bài và cô dạy Văn rất quý", Ly nói.

Sự việc kéo dài năm này qua năm khác. Có những thời điểm, mỗi ngày bước chân vào cổng trường với Ly giống như bước vào địa ngục. Cứ nhìn thấy nhóm bạn đó, cô lại sợ không bước chân nổi. Mùa đông năm lớp 7, các bạn đều đi giày, đi boot, riêng Ly vẫn xỏ dép quai hậu. Nhóm bạn chơi khăm giẫm lên khiến cô ngã, làm chiếc dép đứt dây. Chỉ chờ có vậy họ cười rú lên, chuyền chiếc dép như đá bóng. Đâu đó giữa những tiếng cười cợt, vang lên các từ "con khố rách". "Giây phút đó tôi thực sự muốn chết", cô kể.

Nhưng nghĩ đến cha mẹ và em ở nhà, Ly ngừng lại ý nghĩ dại dột. Cô nữ sinh tìm đến cô giáo chủ nhiệm xin chuyển lớp, song không được đồng ý. "Tôi ngồi khóc cả buổi", cô nhớ lại.

Chiều đó về nhà thấy con mắt sưng đỏ, mẹ Ly mới biết lâu nay con bị bạo hành. Hôm sau bà đến trường gặp ban giám hiệu, sau đó đến thẳng nhà một đầu sỏ trong nhóm bắt nạt con mách tội. Kể từ đó, tình trạng bị bắt nạt giảm dần.

Cũng nhờ sự hỗ trợ của mẹ và bạn thân mà Phương Mai, giáo viên nghệ thuật 35 tuổi, quê Thái Bình đã vượt qua được những ngày đến trường tồi tệ nhất.

Mai bị di chứng vết tiêm hồi bé gây ra dáng đi không bình thường. Ngày tháng địa ngục kéo dài từ cuối cấp một đến đầu cấp hai, khi cô bị trêu chọc và gọi bằng những biệt danh ác ý "con thọt".

"Có cậu lúc nào thấy tôi cũng gọi 'con thọt', còn bắt chước điệu đi để gây trò cười cho lớp. Chỉ có vài người bạn thân bênh vực, còn lại không ai chơi với tôi", cô kể.

Ban đầu cô gái chỉ biết buồn, khóc. Một lần, chính mấy anh họ gọi cô bằng từ này và mẹ cô nghe thấy. Bà lập tức nổi điên, mắng tất cả. "Hành động của mẹ cho tôi sức mạnh. Từ đó tôi không nhịn, không bỏ qua khi ai đó kỳ thị mình", Mai kể.

Phương Mai đến giờ vẫn còn buồn vì một thời đi học bị cô lập, kỳ thị. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phương Mai đến giờ vẫn còn buồn vì một thời đi học bị cô lập, kỳ thị. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiến sĩ Hoàng Trung Học cho biết, bạo lực học đường có thể để lại hậu quả nghiêm trọng cho cả nạn nhân và người gây ra bạo lực. Thông thường, chính người gây bạo lực cũng có vấn đề tâm lý. Nghiên cứu chỉ ra 5% học sinh trong lớp có vấn đề hành vi thường là thủ phạm gây ra 80% số vụ bạo lực học đường. Đồng thời, những tội phạm có hành vi chống đối xã hội thường có xuất phát điểm từ thời đi học.

Việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực học đường ra khỏi nhà trường là điều không tưởng. Nhiệm vụ của nhà giáo dục, người quản lý là phải tạo ra môi trường học đường lành mạnh tối đa, thông qua sự sát sao của phụ huynh và thầy cô, nhất là giáo viên chủ nhiệm.

Trong giáo dục, tình yêu, sự tôn trọng phải đi đôi với tính kỷ luật cao. Không có kỷ luật và sự nghiêm khắc sẽ không thể nào giáo dục được con người và kiểm soát được bạo lực học đường. "Tôi thực sự mong mỏi các trường học Việt Nam quan tâm đến công tác phòng ngừa và hỗ trợ tâm lý, đặc biệt cần có chuyên gia tâm lý làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần chuyên biệt cho học sinh", ông Học nói.

Bị bạo lực thời đi học khiến Khánh Ly mất luôn kết nối với thầy cô và bạn bè thời cấp hai. "Mọi người ước quay lại tuổi học trò hồn nhiên mơ mộng, còn tôi có cho tiền cũng không bao giờ dám quay lại thời đó nữa", cô chia sẻ.

Riêng với Huỳnh Tiên, 12 năm bị bạo hành đã thay đổi vào những ngày cuối cùng của đời học sinh. Tiên được thầy hiệu trưởng cho phép sống thật với giới tính của mình, từ đó làm thay đổi thái độ của giáo viên và học sinh toàn trường. Vào ngày ra trường, cậu bạn từng cầm đầu đánh Tiên đã nhắn tin xin lỗi.

"Khoảnh khắc đó em biết rằng đường đời sau này ngắn dài bao nhiêu, vẫn còn trường học, thầy cô, bạn bè mỗi khi muốn trở về", Huỳnh Tiên bày tỏ.

Phan Dương