Lời kể của giáo viên từng là nạn nhân bị học sinh bạo hành

GDVN- Để làm chủ cảm xúc của mình, làm bạn với học sinh, giáo viên hãy cười với học sinh, trao niềm vui, truyền cảm xúc tích cực, lấy cái tốt làm mờ đi cái xấu.

Mấy ngày qua, chuyện cô giáo ở Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang bị học sinh quây, dồn vào góc tường, liên tục chửi bới và có hành vi thiếu tôn trọng, ném dép vào đầu … đã làm cho xã hội càng lo lắng cho nạn bạo lực học đường đã và đang diễn ra trong môi trường giáo dục nước ta.

Từ trước đến nay, những vụ học sinh gây bạo lực với giáo viên thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông, lớp 8, lớp 9, người viết là giáo viên đang công tác tại bậc trung học cơ sở chưa từng thấy xảy ra ở lớp 6, 7.

Đáng buồn hơn, vụ học sinh gây bạo lực với giáo viên lần này không phải mang tính cá nhân, mà số học sinh vi phạm lớn, mang tính chất tập thể.

Hình ảnh gây bức xúc tại Trường trung học cơ sở Văn Phú.
Hình ảnh gây bức xúc tại Trường trung học cơ sở Văn Phú.

Thực tế, không ít giáo viên đã từng bị học sinh gây bạo lực bằng lời nói, bằng hành động, nhưng “một sự nhịn chín sự lành”, nói ra vừa xấu mình trước, mà cũng chẳng giải quyết được việc gì, nên có thầy cô âm thầm chịu đựng.

Một đồng nghiệp từng là nạn nhân bị học sinh bạo hành kể: “Tôi dạy thể dục, học sinh và phụ huynh đều coi là môn phụ, nên không ít học sinh coi thường bộ môn, coi thường cả giáo viên. Vì thế, tôi cũng nghiêm khắc hơn trong tiết học, để khi ra sân còn dễ quản lớp.

Có lần tôi vào dạy lớp 8. Tôi đã vào lớp song có một học sinh vẫn ngông nghênh đi lại, coi như không có mặt giáo viên.

Tôi gọi cậu ta lại, nhắc nhở, bị giáo viên nhắc nhở trước lớp nên học sinh rất tức tối, sau này mới biết chưa từng có giáo viên nào dám “đụng” đến cậu ta.

Trong một tiết học, nhìn thấy chú cún con của anh bảo vệ trên sân trường, cậu ta hỏi tôi: “Thầy có chạy nhanh hơn con chó con kia không?”.

Tôi biết, học sinh này đang có ý gây hấn với tôi. Tôi trả lời thua thì cậu sẽ nói toang trước lớp, tôi không bằng con chó, trả lời bằng thì nó sẽ nói tôi như con chó … nên tôi chỉ cười.

Một lần đi xuống cầu thang, tôi nghe tiếng “á” sau lưng, nên ngoảnh lại, thấy cậu ta lao thẳng vào tôi. Phản xạ tự nhiên của con nhà võ, tôi né “đòn”, nhưng thấy cậu ta lao xuống bậc thang nên đưa chân ra đỡ, mong cậu ta không lao thẳng ra phía trước.

Cú đỡ của tôi cũng chỉ giảm thiểu được phần nào, cậu ta mặt sưng vù, gãy cả hai cái răng cửa. Hôm sau có học sinh nói cho tôi biết, cậu ta muốn giả té, đẩy tôi xuống cầu thang, cho tôi té, bắt tôi “hôn mông” mấy nữ sinh đi phía trước.

Tôi biết “nghiệp” này có phần lỗi của mình. Tôi đã quá nguyên tắc, cứng ngắc, làm cậu ta mất mặt trước lớp, nếu không giải, chưa biết sẽ đi về đâu.

Hôm sau, khi nhận xét tiết học, tôi chủ động xin lỗi cậu ta trước lớp, vì đã phê bình học sinh trước lớp, cũng như nghiêm khắc thái quá.

Nghe xong, cậu ta cũng chủ động xin lỗi tôi, cảm ơn tôi nhờ cú ra chân đỡ giúp cậu ta hôm trước.

Sự việc xảy ra cũng là bài học cho tôi, đi dạy, trước khi làm thầy, hãy làm bạn của học sinh đã”.

Một câu hỏi đặt ra là có phòng tránh bạo lực học đường với giáo viên được không? Để trả lời câu hỏi này, ta nên điểm qua nguyên nhân một số vụ bạo hành giáo viên được truyền thông đăng tải, tìm ra mẫu số chung, để có giải pháp phòng tránh hiệu quả.

Trước thái độ vô lễ của học trò, do nóng tính, không kiềm chế được, nên thầy K. đã cầm quyển giáo trình giơ lên định gõ vào đầu nhằm dọa và nhắc nhở em N., nhưng nữ sinh này đã đỡ lại nên không trúng vào đầu, sau đó hai bên giằng co qua lại (đánh nhau) khoảng 20 giây rồi kết thúc.[1]

Vì cho rằng lớp trưởng phải gương mẫu không nên xăm hình nên thầy giáo có nhắc nhở nhưng em này không xóa. Bực tức, thầy có dùng tay tát vào má học sinh khiến em này ôm hận, đâm thầy giáo trọng thương.[2]

Qua 2 vụ bạo hành giáo viên trên, và những vụ bạo hành giáo viên khác mà truyền thông đã đưa tin, ta dễ thấy có nguyên nhân chung: giáo viên xử lý tình huống sư phạm chưa chuẩn mực, dẫn đến học sinh hiểu lầm, gây kích thích hành vi mất kiểm soát của học sinh.

Vì vậy, để phòng tránh bạo hành giáo viên trong trường học, giáo viên đóng vai trò quyết định, đầu tiên thầy phải ra thầy, thầy xử lý tình huống sư phạm tốt, coi mối quan hệ thầy trò quan trọng.

Chúng ta đều biết: "Lời xin lỗi không phải lúc nào cũng có nghĩa là bạn sai và người kia đúng. Điều ấy chỉ có nghĩa rằng bạn coi trọng mối quan hệ với người ấy hơn cái tôi của bạn mà thôi".

Trước học sinh, phụ huynh, giáo viên biết nói lời xin lỗi, mọi hiểu lầm sẽ được hóa giải, tránh những điều đáng tiếc, xấu hơn, không thể kiểm soát được có thể xảy ra.

Để làm chủ cảm xúc của mình, làm bạn với học sinh, vào tiết dạy, giáo viên hãy cười với học sinh, trao niềm vui, truyền cảm xúc tích cực, lấy cái tốt làm mờ đi cái xấu, hạnh phúc sẽ đến với cả thầy và trò.

Giáo viên chủ động cười với học sinh, tức đang làm chủ mọi tình huống, đang là người cầm trịch, người truyền cảm hứng, người chỉ đường, nhà giáo dục.

Ngược lại, nếu giáo viên lên lớp mà thu mình lại, "mackeno", chính họ đã tự tước đi quyền làm thầy của mình, thiếu tự trọng chính mình, người giáo viên đó đã thất bại.

Trước khi chờ học sinh, phụ huynh thay đổi, thầy cô hãy chủ động thay đổi trước, làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo.