Nữ sinh ám ảnh vì từng là nạn nhân của bạo lực học đường

"Càng ngày lời miệt thị càng đáng sợ, khi không thể chịu được nữa, em đã khóc và đáp trả lại thì các bạn nữ lao đến đánh em. Em rất sợ đến trường” - lời bộc bạch của nữ sinh từng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Nỗi ám ảnh mang tên bạo lực học đường

Thời gian gần đây, các vụ đánh nhau của nữ sinh ngày càng phức tạp. Chỉ một mâu thuẫn nhỏ, các em cũng lao vào đánh nhau không thương tiếc. Nhiều nữ sinh đã kể lại những kí ức ám ảnh vì từng là nạn nhân của bạo lực học đường.

Minh Phương - học sinh cấp 3 tại Thanh Hoá - cho biết, em đã có khoảng kí ức kinh khủng không thể nào quên. Phương cho biết, bản thân có ngoại hình không ưu nhìn nên luôn là mục tiêu trêu chọc của các bạn nữ trong lớp. Sự việc ban đầu chỉ dừng lại mức bạo lực ngôn từ với những lời chê bai, nói xấu. Điều này đã khiến Phương buồn và rất tự ti.

"Khoảng thời gian đó, em không chơi với ai, giờ ra chơi chỉ ngồi trong lớp vì ngại ánh mắt của những người xung quanh. Em bị cô lập hoàn toàn. Nhưng càng ngày, lời miệt thị càng đáng sợ. Khi không thể chịu được nữa, em khóc và đáp trả lại thì các bạn nữ lao đến đánh em. Em rất sợ đến trường” - Minh Phương kể.

Nữ sinh cho hay, em đã quyết định nói với gia đình và giáo viên. Kết quả là các bạn bị kỉ luật và em cũng chuyển sang lớp khác. Sau cú sốc năm lớp 10, Phương sống khép mình và không giao tiếp nhiều với thầy cô, bạn bè.

Còn Phương Thảo - nữ sinh tại Bắc Giang - rất ám ảnh với câu chuyện mình từng chứng kiến. Mỗi lần nhớ lại, em cũng “lạnh sống lưng”.

"Hai nữ sinh xô xát với nhau do mâu thuẫn tình cảm, nghi ngờ 'cướp' bạn trai. Ban đầu chỉ là lời qua tiếng lại nhưng sau đó, một nữ sinh đã rút dao trong cặp và rạch vào mặt đối phương. Khắp nơi toàn là máu, chúng em sợ quá hét toáng lên. May mắn là bạn nữ được cấp cứu kịp thời.

Theo chứng kiến của em, mâu thuẫn giữa các bạn nữ chủ yếu là do nghi ngờ nói xấu nhau, quan hệ tình cảm, mâu thuẫn trên mạng xã hội, thậm chí một cái liếc mắt cũng bị đánh tới tấp" - Thảo nói.

 

Bạo lực học đường là nỗi ám ảnh của nhiều nữ sinh. Ảnh minh họa: LĐO

Giáo dục từ gia đình tới nhà trường

Bày tỏ quan điểm về vấn nạn bạo lực học đường, chị Tuệ Dung - phụ huynh tại Hà Nội - cho rằng, tính cách của con trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ gia đình, bố mẹ phải là những tấm gương chuẩn mực để con cái noi theo. Theo đó, phương pháp dạy dỗ trẻ trong giai đoạn vị thành niên rất quan trọng.

"Bố mẹ cần làm bạn cùng con, sẵn sàng lắng nghe tâm sự của con, giúp con hiểu gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy. Có như vậy, con mới sẵn sàng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn và thậm chí là những băn khoăn, lo lắng của mình cho bố mẹ. Và tất nhiên, khi bị hiếp đáp, đe dọa, con cũng sẽ kể cho bố mẹ nghe” - chị Dung nêu quan điểm.

Vị phụ huynh cho rằng, cha mẹ cần thấu hiểu và tôn trọng sở thích của các con. Không nên bắt ép, áp đặt các con làm theo ý bố mẹ. Điều đó sẽ gây ra sự tiêu cực trong tâm lí và tạo ra xu hướng bạo lực. Đặc biệt cần quản lí việc sử dụng mạng xã hội của các con, những thông tin “rác” sẽ là mầm mống của bạo lực học đường.

Về vấn đề này, thầy Đỗ Quốc Phòng - giáo viên Trường THPT Liễn Sơn (Vĩnh Phúc) - cho biết, để làm tốt công tác giáo dục trẻ, bên cạnh dạy kiến thức văn hoá, cần chú trọng rèn luyện những kĩ năng xã hội, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khoá để học sinh hiểu được tính chất và mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường.

"Giáo viên chủ nhiệm là nhân tố quan trọng giúp gắn kết học sinh, tạo ra môi trường học tập thân thiện. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần bám lớp, quan tâm đến những thay đổi tâm sinh lí của học sinh để kịp thời nhắc nhở, khuyên bảo khi các em có những hành vi không đúng” - thầy Phòng chia sẻ.

Giáo viên này nhấn mạnh, đối với những trường hợp học sinh vi phạm, nhà trường cần có hình thức xử lí nghiêm, mang tính chất răn đe. Môi trường giáo dục phải nhân văn, an toàn thì phụ huynh mới yên tâm gửi gắm con em mình và học sinh an tâm học tập.