Một số vấn đề pháp lý liên quan đến bạo lực học đường

(LSVN) - Theo quy định của pháp luật thì học sinh, sinh viên vi phạm kỷ luật, trong đó có đánh nhau thì tùy vào tính chất mức độ sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật khác nhau.


Bạo lực học đường là vấn đề không mới kể cả ở Việt Nam và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Bạo lực học đường có thể xảy ra bất cứ môi trường học đường nào, dù đó là trường quốc tế hay là hệ thống trường phổ thông quốc gia. Vấn đề là làm sao kiểm soát được tình hình, giảm bớt các vụ việc mâu thuẫn, va chạm, bạo lực giữa các em học sinh, giữa giáo viên với học sinh và giải quyết có tình có lý khi sự việc đã xảy ra.

Về tâm lý nói chung thì phụ huynh nào cũng lo lắng cho con cái, lo sợ con cái sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực học đường khi bị bạn bè, thậm chí có thể bị giáo viên hành hung trong thời gian ở trường. Bạo lực học đường giữa các em học sinh, đặc biệt là sau giờ tan học, ở những khu vực vắng vẻ là những tình huống rất nguy hiểm, có thể gây ra những thương tích, thậm chí thiệt mạng cho nạn nhân.

Vì vậy, nội dung giáo dục trong trường cần hướng đến xây dựng và hình thành nhân cách, giáo dục kiểm soát cảm xúc, kỹ năng sống và tăng cường tình đoàn kết trong tập thể các em học sinh. Các trường học đều có điều lệ, quy chế, các quy tắc chung và riêng đối với mỗi cơ sở giáo dục để quản lý học sinh, xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật học sinh, kiểm soát tình trạng bạo lực học đường.

Các em học sinh là người chưa thành niên, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, dễ bị kích động, khó làm chủ cảm xúc, suy nghĩ chưa thấu đáo, nhiều em còn thiếu kỹ năng sống nên không chỉ trong môi trường học trước đường mà ngay cuộc sống bên ngoài cũng dễ xảy ra những va chạm mâu thuẫn, xung đột, ẩu đả đối với cả nam và nữ.

Vì vậy, để đấu tranh với bạo lực học đường, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh thì ngoài việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, tích cực trong công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, tăng cường kỷ luật thì vấn đề giải quyết khủng hoảng truyền thông, xử lý các tình huống có vấn đề, các sự cố xảy ra cũng là vấn đề quan trọng các cơ sở giáo dục không thể xem nhẹ.

Đối với trẻ em ở độ tuổi này mà thực hiện hành vi xâm phạm đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác chưa thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo mô tả, liệt kê của điều luật thì trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra. 

Theo quy định của pháp luật thì học sinh, sinh viên vi phạm kỷ luật, trong đó có đánh nhau thì tùy vào tính chất mức độ sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật khác nhau.

Hiện nay, vấn đề kỷ luật học sinh sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông. Thông tư này thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Cụ thể, Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định các hành vi học sinh không được làm bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ; Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép; Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng; Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân; Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Khoản 2, Điều 38 của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

- Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

- Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

- Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc xử lý kỷ luật đối với học sinh phải hướng đến mục đích là giáo dục và cải tạo, tạo điều kiện cho các em nhận sai và sửa sai. Nghiêm cấm hành vi lợi dụng kỷ luật học sinh để kỳ thị, phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự nhân phẩm của các em. Việc xử lý kỷ luật học sinh phải trên cơ sở nội quy quy chế của nhà trường, các quy định của pháp luật, đảm bảo việc xử lý kỷ luật có tính răn đe nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo, hướng đến mục đích giáo dục chứ không làm căng thẳng, phức tạp thêm tình hình.

Đối với các em học sinh bị thương tích thì nhà trường có thể phối hợp với gia đình để khám thương, điều trị cho các em, trường hợp có biểu hiện nghiêm trọng thì có thể trình báo sự việc với cơ quan điều tra để tiến hành giám định thương tích, xác định hậu quả về tâm lý, sức khỏe đối với các em làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý, cũng như làm cơ sở để áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Đối với các phụ huynh có liên quan thì cần hết sức bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc, động viên giáo dục các con để tránh những căng thẳng, mâu thuẫn không cần thiết, làm phức tạp thêm tình hình. 

Tiến sĩ, Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp

Bạo lực học đường nhìn dưới góc độ pháp luật